15:59:55 08-06-2023
Trang chủ Nghiên cứu Giới thiệu đề tài Đề tài nghiên cứu 2006-2010

Đề tài nghiên cứu 2006-2010

Email In PDF.

Tên đề tài

Tên cá nhân chủ trì

Kết quả đạt được, địa chỉ áp dụng

 Năm 2010
  

Nghiên cứu tác động của chính sách phân phối lợi nhuận đến giá trị doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước

TS. Phạm Quốc Việt

Đề tài đã xây dựng hai giả thiết nghiên cứu: Giả thiết nghiên cứu 1: không tồn tại tương quan có ý nghĩa giữa tỷ lệ lợi nhuận sau thuế điều chuyển cho công ty mẹ với giá trị doanh nghiệp; Giả thiết nghiên cứu 2: Tồn tại tương quan dương có ý nghĩa giữa tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi với giá trị doanh nghiệp.

Thông qua việc kiểm định 2 giả thiết này trên mẫu dữ liệu gồm 81 doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn 2007 – 2009, nhóm nghiên cứu có một số kết quả sau:

- Xác nhận giả thiết nghiên cứu 1 trong tất cả các nhóm dữ liệu khảo sát;

- Xác nhận giả thiết nghiên cứu 2 trong hai nhóm công ty “hiệu quả” và “bảo toàn vốn”.

Từ các kết quả nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu có một số đề xuất:

       - Thay thế chỉ tiêu lợi nhuận trong đánh giá xếp loại doanh nghiệp bằng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được điều chỉnh bởi lạm phát; 

       - Bãi bỏ các quy định về việc phân chia lợi nhuận sau thuế thành hai bộ phận: chia theo phần vốn nhà nước và chia theo vốn tự huy động;

       - Không khống chế mức tuyệt đối khi trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi. Tuỳ theo ngành và xếp loại doanh nghiệp mà quy định các tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi cụ thể.

Tác động của chính sách thủy lợi phí đối với hoạt động quản lý khai thác công trình thủy nông ở Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Xuân Lan

Đề tài phân tích tình hình thực hiện chính sách thủy lợi phí tại một số địa phương; Đề tài đánh giá tác động của chính sách thủy lợi phí đối với hoạt động quản lý khai thác công trình thủy nông; Những đề xuất hoàn thiện chính sách thủy lợi phí a) Nghiên cứu điều chỉnh phương pháp xây dựng mức thu thủy lợi phí b) Cơ chế xác định phí thủy nông nội đồng. c) Miễn thủy lợi phí phải tiến hành đồng thời với việc phân cấp quản lý công trình. d) Ban hành quy định quản lý tiền cấp bù TLP cho các TCHTDN. đ) Cần nghiên cứu thêm để hướng dẫn cụ thể cho một số trường hợp đặc biệt khi xác định cống đầu kênh. e) Cần đảm bảo cấp bù tiền miễn thủy lợi phí  kịp thời và có tính đến yếu tố trượt giá. g) Nghiên cứu thực hiện đấu thầu quản lý công trình thủy nông, thực hiện xã hội hóa công tác quản lý hoạt động thủy nông.

Phân tích, đánh giá việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng ở ĐBSCL theo Quyết đinh 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng

TS. Bảo Trung

Đề tài nhận dạng và phân loại các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo QĐ 80 và kết quả thực hiện hợp đồng đã ký kết; phân tích, đánh giá việc tiêu thụ lúa gạo và cá tra thông qua hợp đồng theo QĐ 80 dưới các hình thức khác nhau và đưa ra các vấn đề nảy sinh trong việc tiêu thụ lúa gạo và cá tra theo QĐ 80 ở ĐBSCL.

Đề tài đã đề xuất tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo 3 hình thức hợp đồng phù hợp: thứ nhất, hợp đồng gia công; thứ hai, hợp đồng giao khoán đất, vườn cây, chuồng trại và mặt nước cho nông dân trực tiếp sản xuất và thứ ba, hợp đồng trung gian.

Để phát triển việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo QĐ 80, đề tài đề xuất 4 giải pháp: thứ nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp; thứ hai, tăng cường phát huy vai trò nhà nước trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; thứ ba, củng cố và phát triển tổ hợp tác và HTX; và thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm tra bảo đảm chất lượng nông sản, thủy sản và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế. 

Phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Đoàn Đình Hoàng

Đề tài phân tích hiện trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển bền vũng các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL

 Năm 2009
  

Nghiên cứu cơ sở khoa học để xác định mức chi trả giá trị môi trường do rừng tràm trồng mang lại cho chủ đầu tư trồng rừng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

TS. Phạm Xuân Quý

- Đề tài đã tổng kết cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm nước ngoài về xác định và tạo lập thị trường trao đổi giá trị môi trường của rừng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái ở các nước đang phát triển.

- Đề tài đã tính toán, xây dựng cơ sở xác định lượng CO2 mà rừng tràm hấp thụ trong các giai đoạn sinh trưởng, lượng hóa giá trị môi trường của rừng tràm trồng và khả năng trao đổi giá trị này trên thị trường quốc tế.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho người trồng và bảo vệ rừng tràm nhằm giữ lại diện tích rừng tràm hiện có đang có nguy cơ sụt giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng.

- Đề tài đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các chính sách hỗ trợ duy trì và phát triển rừng ở Việt Nam.

- Góp phần đào tạo tiến sĩ

Thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm: Vấn đề và giải pháp

ThS. Khúc Hoàng Giang

- Đề tài đã tổng hợp cơ sở lý luận về đặc trưng kinh tế - kỹ thuật ngành chăn nuôi, thú y tác động đến thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

- Đề tài đã phân tích thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở các khía cạnh: cấu trúc tổ chức, cơ chế vận hành và điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó chỉ ra được những nguyên nhân cản trở hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu.

- Đề tài đã đưa ra những đề xuất có tính khả thi cho việc khống chế, thanh toán dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả ở Việt Nam.

- Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong bài giảng về QLNN đối với lĩnh vực thú y.

Hệ thống phân phối sản phẩm thịt heo ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam: thực trạng và giải pháp

ThS. Phan Phúc Hạnh

- Đề tài đã tổng hợp cơ sở lý luận về chuỗi giá trị, kênh phân phối ngành thịt heo, các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, quyền lực thương lượng của từng chủ thể và xu hướng vận động của ngành thịt heo trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Đề tài đã tiến hành khảo sát hành vi các chủ thể tham gia chuỗi giá trị ngành hàng thịt heo tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính toán giá trị gia tăng qua từng khâu, tiến đến mô hình hóa hệ thống phân phối thịt heo ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó phát hiện các vấn đề cản trở sự phát triển của hệ thống phân phối thịt heo theo xu hướng hợp lý.

- Đề tài đã đề xuất 6 chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi và chế biến thịt heo, đảm bảo kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đề tài có đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi và chế biến thịt heo ở Việt Nam.

- Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong bài giảng về hệ thống phân phối, tổ chức chăn nuôi và chế biến thịt.

Thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thực vật: Vấn đề và giải pháp

ThS. Trần Thị Thu Hương

- Đề tài đã tổng hợp cơ sở lý luận về đặc trưng kinh tế - kỹ thuật ngành trồng trọt tác động đến thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng.

- Đề tài đã phân tích thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thực vật ở các khía cạnh: cấu trúc tổ chức, cơ chế vận hành và điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó chỉ ra được những nguyên nhân cản trở hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu.  

- Đề tài đã đưa ra những đề xuất có tính khả thi trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật giúp gia tăng an toàn thực phẩm.

- Kết quả nghiên cứu được sử dụng trong bài giảng về QLNN đối với lĩnh vực bảo vệ thực vật.

 Năm 2008
  

Đăng ký bảo hộ, sử dụng chỉ dẫn địa lý nông sản ở Việt Nam – những vấn đề pháp lý

ThS. Bùi Thị Hằng Nga

- Đề tài đã tổng hợp khung khái niệm có liên quan đến chỉ dẫn địa lý, nêu ra những khác biệt giữa chỉ dẫn địa lý và thương hiệu tư nhân, tác động của chỉ dẫn địa lý đến việc phát triển sản xuất nông sản và nâng cao thu nhập của cộng đồng.

- Đề tài đã phân tích thực trạng đăng ký, sử dụng và giải quyết tranh chấp về chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam trước và sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực thi hành, chỉ ra được những hạn chế trong các văn bản hướng dẫn Luật và hiệu lực, hiệu quả của các văn bản này trong thực tiễn.

- Đề tài đã đưa ra các đề xuất chỉnh sửa các văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ trong phạm vi đăng ký, sử dụng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản.

- Đề tài làm cơ sở biên soạn bài giảng về xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản cho các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX và trang trại.

- Góp phần đào tạo thạc sĩ

Xung đột lợi ích giữa các chủ thể khi thực hiện đền bù giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án đầu tư – Thực trạng và giải pháp

ThS. Lê Hồng Cậy

- Đề tài đã phân tích cơ sở lý luận về đền bù giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án đầu tư nhà nước và tư nhân, vai trò của nhà nước trong việc giải quyết mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể có liên quan đến dự án đầu tư có chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

- Đề tài đã phân tích thực trạng đền bù giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án đầu tư của nhà nước và tư nhân trong các trường hợp điển hình ở TP.HCM và Lâm Đồng, chỉ ra được những hạn chế trong việc bảo vệ lợi ích của người dân bị thu hồi đất trong các dự án đầu tư nhà nước và tư nhân.

- Đề tài đã đưa ra một số gợi ý hoàn thiện chính sách đất đai trong công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc đền bù giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án đầu tư của nhà nước và tư nhân nhằm đảm bảo lợi ích của người dân bị thu hồi đất.

Đề tài giúp biên soạn bài giảng về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn.

Những yếu tố thành công cốt lõi của các trang trại ở một số tỉnh phía Nam

ThS. Nguyễn Thị Thu

- Đề tài đã xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đề tài đã thực hiện kiểm chứng mô hình tương quan trong tập dữ liệu khảo sát là các trang trại ở một số tỉnh phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang), phát hiện được những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của trang trại.

- Đề tài đã đề xuất các giải pháp điều chỉnh chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông sản hàng hóa theo yêu cầu thị trường.

- Đề tài giúp biên soạn bài giảng về quản lý kinh tế trang trại.

Những yếu tố thành công cốt lõi của HTX trong nông nghiệp ở Nam Bộ

TS. Đinh Công Tiến

- Đề tài đã phân tích cơ sở lý luận về khái niệm HTX thành công trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của xã viên, đồng thời xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến thành công của các HTX ở Việt Nam.

- Đề tài đã phân nhóm HTX khảo sát thành 2 nhóm đối chứng: nhóm HTX thành công và nhóm HTX chưa thành công, phân tích sự khác biệt của các yếu tố ảnh hưởng trong 2 nhóm này, từ đó chỉ ra những nhân tố thành công cốt lõi của HTX.

- Đề tài đã đề xuất một số gợi ý chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu vào WTO hiện nay.

- Đề tài giúp đào tạo tiến sĩ, đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, biên soạn bài giảng về nâng cao năng lực quản trị HTX.

 Năm 2007
  

Giải pháp nâng cao hiệu quả ngành trà xuất khẩu của Việt Nam

TS. Đinh Công Tiến

- Đề tài đã phân tích cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh ngành trà xuất khẩu, các nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh ngành.

- Đề tài đã phân tích chuỗi giá trị ngành trà xuất khẩu ở Việt Nam, chỉ ra được những nhấn tố hạn chế năng lực cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu trà Việt Nam.

- Những đề xuất của đề tài ở góc độ vĩ mô lẫn vi mô trong việc nâng cao hiệu quả ngành trà xuất khẩu của Việt Nam giúp các nhà hoạch định chính sách, Hiệp hội chè Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè trong việc nâng cao hiệu quả ngành hàng.

- Đề tài giúp đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ, đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho các nghiên cứu ngành hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam, biên soạn bài giảng cho lớp đào tạo giám đốc doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế trả lương tại các công ty nhà nước cổ phần hoá ngành nông nghiệp và PTNT

TS. Nguyễn Thế Phong

- Đề tài đã phân tích cơ sở lý luận về tiền lương trong nền kinh tế thị trường, và vận dụng vào việc phân tích cơ chế trả lương tại các công ty nhà nước cổ phần hoá ngành nông nghiệp và PTNT.

- Đề tài đã phát hiện được những yếu tố trong cơ chế trả lương làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và động lực làm việc của người lao động.

- Đề tài đã đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế trả lương tại các công ty nhà nước cổ phần hoá ngành nông nghiệp và PTNT phù hợp với nền kinh tế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

- Đề tài đã đóng góp trong việc chỉnh sửa Quy chế quản lý tài chính trong công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (TT 242/2009/TT-BTC), là tài liệu tham khảo cho các công ty nhà nước cổ phần  hoá ngành nông nghiệp và PTNT trong việc thiết kế cơ chế trả lương hiệu quả, tạo động lực làm việc cho người lao động và tăng hiệu quả kinh doanh trong công ty.

Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án xây dựng cụm dân cư vượt lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

ThS.Phan Minh Phụng

- Đề tài đã tổng kết cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm của nước ngoài trong vấn đề tái định cư, đưa ra khung lý thuyết về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án tái bố trí dân cư và các nhân tố tác động đến hiệu quả này.

- Đề tài đã thực hiện khảo sát, phân tích thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án xây dựng cụm dân cư vượt lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ ra được những nội dung hạn chế của dự án xây dựng cụm dân cư vượt lũ đang thực hiện và các yếu tố ảnh hưởng.

- Đề tài đã đề xuất các giải pháp chính sách hoàn thiện các dự án xây dựng cụm dân cư vượt lũ, làm cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc thực hiện Giai đoạn 2 chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Đề tài mang tính thời sự, cấp bách và nhạy cảm, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long.

- Đề tài làm cơ sở biên soạn bài giảng cho lớp Bồi dưỡng cán bộ làm công tác bố trí dân cư.

- Góp phần đào tạo thạc sĩ

Khảo sát tiềm năng và đề xuất giải pháp phát triển loại hình du lịch nông thôn bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

ThS. Bùi Thị Lan Hương

- Đề tài đã phân tích cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm của nước ngoài trong việc phát triển du lịch nông thôn bền vững về mặt văn hóa, xã hội và môi trường.

- Đề tài đã khảo sát thực trạng phát triển loại hình du lịch nông thôn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phân tích hiệu quả về các mặt văn hóa, xã hội, môi trường và các yếu tố ảnh hưởng, chỉ ra được những hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn tại địa bàn khảo sát.

- Đề tài đã đưa ra một số gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như các nhà quản lý du lịch – lưu trú trong việc phát triển du lịch nông thôn như là mũi nhọn phát triển ngành du lịch.

- Đề tài làm cơ sở biên soạn bài giảng Du lịch nông thôn.

- Góp phần đào tạo tiến sĩ.

 Năm 2006
  

Đánh giá tác động của chính sách thuế hiện hành đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

TS. Nguyễn Thị Xuân Lan.

- Đề tài xây dựng phương pháp đánh giá tác động của chính sách thuế đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới.

- Đề tài đã lượng hóa tác động của chính sách thuế hiện hành đến hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ ra được những mặt tích cực và hạn chế của chính sách thuế hiện hành.

- Đề tài đã đề xuất một số biện pháp bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách thuế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của chính sách và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Góp phần đào tạo tiến sĩ

Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của một số mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên vùng đất phèn thuộc tỉnh Long An

TS. Phạm Xuân Quý.

- Đề tài đã xây dựng được hệ thống chỉ tiêu đánh giá tính bền vững của mô hình sản xuất nông lâm nghiệp cả về kinh tế - xã hội, môi trường, mức độ tham gia của người dân.

- Đề tài đã so sánh và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của các mô hình canh tác nông - lâm nghiệp bền vững trên đất phèn tại Long An.

- Đề tài đã đề xuất một số mô hình sản xuất nông lâm kết hợp bền vững có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao, có thể vận dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững trên các vùng đất nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Góp phần đào tạo tiến sĩ

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống thông tin quản lý trong các Trường đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở các tỉnh phía Nam

CN. Lương Văn Trí

- Đề tài đã phân tích các yêu cầu thông tin đầu vào, xử lý dữ liệu và thông tin đầu ra của một hệ thống thông tin quản lý trong các Trường đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, và tầm quan trọng của một hệ thống thông tin quản lý tốt đối với hiệu quả quản lý trong các Trường đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Đề tài đã thực hiện khảo sát, tổng kết, đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành các hệ thống thông tin quản lý trong các Trường đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở phía Nam.

- Đề tài đã đề xuất các giải pháp về phần cứng, phần mềm để xây dựng hệ thống thông tin quản lý trong các Trường đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Nghiên cứu cơ sở khoa học hình thành và phát triển thể chế thị trường giao dịch nông sản.

TS. Bảo Trung

- Đề tài tổng kết cơ sở lý luận cho việc hình thành và phát triển thể chế giao dịch nông sản ở Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển của nền sản xuất nông sản hàng hoá của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đề tài đã nhận dạng và phân loại các thị trường giao dịch nông sản ở Việt Nam, cơ chế vận hành của từng loại thị trường và các nhân tố tác động

- Đề tài đã đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển thể chế giao dịch nông sản ở Việt Nam trong thời gian tới.

- Góp phần đào tạo tiến sĩ

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tin mới nhất